Mái Ấm Phúc Lâm toạ lạc tại địa chỉ 16A1, ấp 2, xã Long An, Long Thành, Đồng Nai là nơi dung dưỡng khoảng 100 mảnh đời thiếu tình thương. Mỗi em đều mang lấy một số phận hẩm hiu, bi đát: Hoặc bị người thân ruột thịt ruồng rẫy khi còn trong bụng mẹ, hoặc bị bỏ rơi nơi gầm cầu, đống rác với cuống rốn còn dính trên người, mặc cho cuộc đời đẩy đưa chạm gần cửa tử.
Đến thăm các em vào buổi chiều thứ bảy ngày 11/1/2020, trước thềm năm mới, chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến những gương mặt non nớt, hồn nhiên nhưng đằng sau đó là chuỗi những bi thương từ khi mới cất tiếng khóc chào đời.
Mỗi em là một hoàn cảnh đáng thương: có em bị tim bẩm sinh, có em bị hở hàm ếch, có em bị dị tật chẳng ai dám nhìn…
Thầy Nguyễn Văn Lâm, pháp hiệu Thích Minh Tâm – là người sáng lập mái ấm Phúc Lâm và là người cha “nhặt” đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để dung dưỡng các em, những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi nghĩa trang, bãi rác, lề đường… đón chúng tôi với gương mặt hiền hậu, phong thái lạc quan, dung dị.
Tại đây, đoàn từ thiện Gotec Land có dịp tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của các bé. Nhìn thấy những ánh mắt ngây thơ đượm buồn, những đôi tay bé xíu nắm lấy tay chúng tôi, trong đó có những bé sơ sinh, mới mấy ngày tuổi, da còn nhăn nheo khiến chúng tôi không kiềm được nước mắt. Cảm xúc dâng lên nghẹn ngào, khó tả…
“Hoàn cảnh của các cháu vô cùng bi đát, có nhiều cháu thầy “lụm” mà thầy đứng hình, chảy nước mắt, thầy chịu không nổi. Bé sinh ra từ trong bịch rác, lôi từ trong bịch rác ra mới cứu được bé. Có bé thì vứt ngoài nghĩa địa, có bé bị vứt ngoài bãi cỏ, có bé không có hậu môn, có bé thì sinh non” – Thầy Lâm chia sẻ.
Từ lúc gặp thầy Lâm – người cha đơn thân giàu lòng trắc ẩn và nhân ái, các em được đón về chung một mái nhà, được đùm bọc, yêu thương và được viết lại cuộc đời tươi sáng.
Tổ ấm của 100 đứa trẻ bị bỏ rơi
Mái Ấm Phúc Lâm, nghe sao thật ấm lòng. Nhất là những ngày cuối năm như thế này, trời lạnh hơn và những trái tim bé bỏng cũng cần được sưởi ấm hơn bao giờ hết.
Mái Ấm là nơi mang đến cho các em niềm vui, sự quan tâm chăm sóc và yêu thương vô bờ. Trong vòng tay ấm áp của người cha đơn thân đã nhặt các em về nuôi dưỡng, các em sẽ tiếp tục bước đi trên con đường có cha, có anh, có em. Phía trước là hy vọng và không hề cô độc như lúc các em chào đời.
Thầy Lâm đưa chúng tôi vào bên trong trung tâm Mái Ấm. Tại đây, chúng tôi chứng kiến các em được vui đùa hồn nhiên cùng các anh chị em, không gian ngăn nắp, sạch sẽ. Các bé có giường ngủ riêng, có không gian vui chơi an toàn. Bé nào cũng trắng trẻo, sạch sẽ. Thầy là người tận tâm, chăm sóc chu đáo các bé từ việc nhỏ nhất, cưu mang những mảnh đời tội nghiệp như con của mình một cách hoàn hảo nhất dù không cùng huyết thống.
Mái Ấm tình thương Phúc Lâm được thầy Lâm sáng lập vào năm 2008 do nhân duyên lượm một bé gái sơ sinh đang thoi thóp bị người mẹ nhẫn tâm ruồng bỏ tại đống rác về nuôi. Sau đó, thầy nuôi thêm đứa thứ hai. Dần dà, người trong vùng biết đến và hễ có trẻ bị bỏ rơi là báo thầy biết ngay. Mỗi lần lượm đuợc một bé về, thầy hân hoan vui mừng giành trọn tình thương chân thật bằng trái tim cho bé. Mỗi bé là một khúc ruột của thầy.
Để rồi như một sứ mệnh, những đứa trẻ bị bỏ rơi, những mảnh đời bất hạnh, những đứa con không cùng dòng máu… cứ lần lượt tìm đến thầy. Giờ đây, thầy đã là người cha đơn thân có gần 100 đứa con, trong đó khoảng 60 bé từ 3-14 tuổi và 40 bé từ sơ sinh đến 2 tuổi.
Khó khăn chất chồng nhưng thầy Lâm vẫn mong sao các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, sinh hoạt và học tập trong một môi trường đầy đủ nhất. Thầy hy vọng tương lai, các em sẽ là những con người lạc quan, có đạo đức, tự tin và bản lĩnh khi bước vào đời.
Tuy nhiên, con đường tương lai của Mái Ấm còn muôn vàn nỗi lo. Mối bận tâm trước mắt là các em ngày càng lớn khôn, cần phải ăn học mà tình hình tài chính hiện giờ không đủ để trang trải. Học phí của các em là một gánh nặng đối với thầy.
Hơn nữa, một mình thầy cũng không thể nào lo liệu được hết từng miếng ăn, giấc ngủ cho 100 đứa con của mình. Mái Ấm Phúc Lâm phải thuê thêm 4-5 bảo mẫu để chăm sóc cho các bé sơ sinh đến 2 tuổi, phụ giúp công việc hằng ngày với thầy Lâm.
Thầy mong rằng, mình có thể đủ sức dang tay cưu mang những thiên thần không may mắn. Nhưng hạnh phúc hơn cả, là đừng có thêm sinh linh nào ngoài kia phải gọi ông là cha. Vì không có bất hạnh nào cho một đứa trẻ bằng việc phải mồ côi.
Thầy cũng mong sao khi các em tự lập cũng là lúc đi tìm về nguồn cội, tìm lại cha mẹ ruột mà em chưa từng một lần gặp mặt. Mong cho các em đều tìm được hạnh phúc. Bởi đơn giản, hạnh phúc của các em cũng chính là hạnh phúc của thầy vậy.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
Trước đây, tất cả chi phí sinh hoạt đều do thầy, mẹ và các anh chị em trong gia đình cùng với các phật tử chắt chiu, gom góp để có thể duy trì Mái Ấm. Mái Ấm cũng chưa đuợc những cơ sở từ thiện nuớc ngoài biết đến, có lẽ do thầy không kêu gọi giúp đỡ.
Chúng tôi tin rằng rồi đây thầy sẽ không chiến đấu một mình, bên cạnh sẽ có những tấm lòng vàng, những mạnh thường quân sẵn sàng chung vai sát cánh, đồng hành cùng thầy đem lại hơi ấm tình người cho bầy trẻ thiếu cha, thiếu mẹ.
Hiện tại, Mái Ấm Phúc Lâm vẫn còn rất khó khăn về nhu yếu phẩm, kinh phí học hành cho các bé. Mái Ấm cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các mạnh thường quân ở khắp mọi miền đất nước để Thầy Lâm có thể đủ sức gồng gánh cưu mang các em đến lúc trưởng thành.
Cuộc đời không phải ai cũng may mắn. Vẫn còn đó nhiều số phận thương tâm, cần nhiều sự quan tâm và giúp đỡ như người già neo đơn, quả phụ, thương phế binh, người khuyết tât… Nhưng, những mảnh đời bất hạnh nhất, chịu nhiều mất mát nhất lại chính là những đứa trẻ mồ côi ngay khi từ lúc lọt lòng.
Năm mới, Tết đến, mong muốn các bé trong Mái Ấm Phúc Lâm được đón một mùa xuân vui vầy, no đủ, chúng tôi tha thiết kêu gọi những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân, mỗi người chung một bàn tay, của ít lòng nhiều, cùng góp gió thành bão để Mái Ấm Phúc Lâm có thêm tài lực, nhân lực tiếp tục nuôi nấng, chăm lo cho những mảnh đời đáng yêu nhưng bất hạnh.
Mọi chi tiết và nhã ý góp sức cho Mái Ấm tình thương Phúc Lâm,vui lòng liên hệ ông nguyễn Diệp Anh – Chủ tịch công đoàn, Quỹ từ thiện Hồng Tâm.